Ngày nay, thứ quả dại ở rừng có vị chua chát nhưng lại có cái tên mỹ miều “sơn tra” không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà còn trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, có gắn kết sản xuất và chế biến.
Từ thứ quả dại…
Sơn tra hay táo mèo vốn mọc tự nhiên thành rừng và xen với diện tích rừng tự nhiên trên những đỉnh núi cao. Sơn tra có sức sống mãnh liệt, nên có thể trồng ở những nơi đất nương rẫy kém hiệu quả; nơi mùa mưa đất xói lở, mùa khô thì xác xơ, nơi rét hại; thậm chí, cả những khu rừng bị cháy. Bởi vậy, cùng với lúa, ngô, thảo quả… sơn tra được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.
Gia đình anh Giàng Páo Dê ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải có 10 năm trồng sơn tra với diện tích trên 10 ha hiện đã có hơn 5 ha cho thu hoạch và thu về từ 50 – 200 triệu đồng mỗi năm tùy vào sản lượng, giá cả theo mùa.
Anh Dê kể: “Từ rất nhiều năm trước, táo mèo ở trên rừng nhiều lắm, rụng đầy gốc mà chả ai nhặt. Rồi có người bán được tiền, sắm được thêm trâu, bò, xe máy, ti vi thì nhà nào trong bản cũng nhận bảo vệ và trồng theo. Tôi cũng nhận 4 ha rồi trồng thêm 6 ha nữa nhưng táo mèo trồng mới gặp nhiều khó khăn từ vốn, cây giống chất lượng, kỹ thuật chăm sóc cho đến bán ở đâu, bán thế nào, giá cả ra sao? Nhưng giờ thì ổn định hơn rồi!”.
Nói về sơn tra, ông Giàng A Sáy – Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bộc bạch: “Qua nhiều năm, cây sơn tra đã cho thấy rõ hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 8,2%. Xã hình thành được vùng nguyên liệu với trên 100 ha trồng sơn tra; trong đó, có khoảng 60 ha đã cho thu hoạch quả, năng suất đạt trung bình từ 2 – 5 tấn/ha tùy giá cả cao thấp mỗi năm, nhưng cũng cho thu thấp khi đơn giá còn thấp, đầu ra còn nhiều khó khăn. Địa phương rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thu mua sơn tra cho bà con với giá ổn định để đồng bào tiếp tục yên tâm sản xuất và thoát nghèo bền vững”.
Thu nhập từ sơn tra đã thấy rõ khi cần nhiều doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sạch chất lượng cao. Việc mở rộng diện tích, tiến tới tạo vùng nguyên liệu tập trung là hướng đi đúng đắn, dài lâu. Song, cần có những hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng cũng như phổ biến kiến thức trồng, chăm sóc một cách bài bản cho đồng bào.
… Thay đổi từ đề án…
Năm 2016, một đề án mang tên Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020 diện tích sơn tra đạt 10.000 ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. Và giai đoạn 2021-2025, sản lượng ước tính đạt 10.000-15.000 tấn.
Từ đây, các hộ tham gia được nhận hỗ trợ cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây cho quả; được hưởng tiền công bảo vệ rừng; được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng và các dịch vụ khác. Đổi lại, nhân dân cần cam kết bảo vệ, chăm sóc rừng trồng theo quy định về làm giàu rừng; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, chấp hành các nghĩa vụ khác theo quy định.
Hết năm 2020, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 9.369 ha, tăng 5.546 ha so với năm 2015; sản lượng quả đạt trên 5.000 tấn. Tỉnh đã hỗ trợ trồng mới 5.389,9 ha, với tổng kinh phí hỗ trợ là 42.026,4 triệu đồng.
Đã có một số thành công bước đầu khi Đề án tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức của đồng bào. Từ thứ quả dại mọc trong rừng, thích thì hái, cây sơn tra đã phát triển trở thành thứ hàng hóa được chú trọng sản xuất. Sơn tra giờ được bảo vệ, nâng niu bằng cách làm cỏ, bón phân hay bằng việc các xã thành lập các chốt, trạm kiểm soát thu hái sơn tra, giảm tình trạng thu hái sơn tra non của đồng bào.